Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Tìm hiểu về ngôi chùa Bà Đen Tây Ninh

Chùa Bà hay là chùa Bà Đen là ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh, ngôi chùa ngự trên núi Bà Đen nổi tiếng. Chùa Bà Đen ở Tây Ninh đã thu hút rất nhiều quý du khách đến với ngôi chùa tâm linh để nguyện cầu cho một năm may mắn và du ngoạn đầu năm trên núi Bà Đen. Ngay bây giờ cùng Chùa Chiền Việt Tìm hiểu về địa chỉ chùa Bà Tây Ninh ở đâu và những thông tin bổ ích về ngôi chùa.

1. Chùa Bà Tây Ninh ở đâu?

Chùa Bà Đen thường được gọi là chùa Bà, tọa lạc trên núi Bà Đen, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Đây là quần thể di tích trải rộng trên 24 km2, gồm 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng, núi Heo, với hàng trăm hang động, chùa, đền, trong đó nổi tiếng nhất là Linh Sơn Tiên Thạch.

2. Lịch sử chùa Bà Đen Tây Ninh

Chùa do Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII. Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm Mậu Ngọ (1857), Tổ Phước Chí đã bỏ ngôi chùa cũ lợp lá, vách ván, tổ chức xây dựng ngôi chùa khang trang. Ngài đã vận động nhiều Phật tử góp công góp của mở rộng đường lên núi, xây dựng ngôi chánh điện và giảng đường. Cũng vào thời gian này, cách chùa khoảng 300m, một nhà sư người Chiêm Thành, tục gọi là ông Chàm và nhà sư Huệ Mạng – Kim Tiên lấy hang đá làm nơi tu hành. Khoảng năm 1864, sư Huệ Mạng khai sơn chùa Linh Sơn Long Châu.
Năm Nhâm Thân (1871), Tổ Phước Chí cho xây chùa Phước Lâm kế cận dòng sông chảy qua ấp Vĩnh Xuân để khách hành hương đi bằng đường thủy ghé chùa nghỉ ngơi trước khi lên núi. Đến đời Tổ Chơn Thoại, ngài thấy cần xây một trạm dừng tại chân núi, tạo thuận lợi cho khách hành hương, nên đã cho xây ngôi chùa Linh Sơn Phước Trung, thường gọi là chùa Trung.
Năm Canh Tuất (1910), Tổ Tâm Hòa nối tiếp trụ trì đã cho mở rộng ngôi chùa, xây dựng thêm nhà nghỉ cho khách hành hương, mở con đường rộng 6m, dài 1300m từ chùa Trung lên chùa Phật. Năm 1924, ngài cho xây nhà Tổ, Đông lang, Tây lang, nhà Trù bằng vật liệu chủ yếu là đá. Năm 1927, ngài cho lấp hố Điện Bà (sâu 50m, rộng 70m), tương truyền là nơi Bà quyên sinh, để lấy lối lên chùa Phật.
Đây là công trình lớn, ngài đã huy động hàng trăm thợ lao động suốt bốn năm mới hoàn thành. 27 năm trụ trì của Tổ Tâm Hòa là thời kỳ chùa được hưng thịnh về mặt hoằng dương đạo pháp cũng như cơ sở tự viện với hơn 100 Tăng Ni tu học, khách hành hương về chùa mỗi ngày một đông. Ngài viên tịch vào ngày 08 – 01 năm Đinh Sửu (1937).
Các đệ tử của Tổ Tâm Hòa là Giác Phú, Giác Hạnh, Giác Ngọc kế tục quản lý và phát triển hệ thống tự viện ở đây đến năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1956, quân Nhật rồi quân Pháp kéo lên chiếm đóng, phá hủy hoàn toàn hệ thống tự viện ở đây.
Năm 1956, ngài Nguyên Chất – Giác Điền, trụ trì chùa Phước Lâm tổ chức xây dựng lại hệ thống chùa ở núi Bà. Ngài cho tháo dỡ ngôi Thiền đường và một số căn nhà phụ của chùa chở lên núi cất chùa tạm để có nơi lễ bái của Tăng Ni và khách hành hương. Ngài cùng thầy Huệ Phương hết lòng chăm lo tôn tạo ngôi chùa Phật và chùa Hang. Năm 1957, ngài Giác Điền viên tịch, ngài Huệ Phương tiếp tục công việc đến năm 1962 thì giao nhiệm vụ trụ trì cho Ni sư Thích Nữ Diệu Nghĩa để về chùa Phước Lâm tu học. Từ đây cho đến năm 1975, công việc tái thiết các tự viện bị ngưng trệ. Một lần nữa, bom đạn chiến tranh đã phá hủy gần hết các công trình mới được xây dựng.

3. Kiến trúc chùa Bà Tây Ninh

Ở sân chùa Phật có tôn trí tượng đài Bồ tát Quan Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Điện Phật thờ tượng đức Trung Tôn chính giữa (tư liệu của chùa cho biết tượng đức Bổn sư Thích Ca thiền định cao 2,5m) và chư Phật, Bồ tát: bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, Bồ tát Địa Tạng, Ngọc Hoàng…
Hai bên có bàn thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Thế Chí. Trước điện Phật có tượng Tứ Thiên Vương: Ma Lễ Thọ, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thanh; tượng đức Hộ Pháp Vi Đà. Hai bên vách có bàn thờ Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Mục Kiền Liên, Quan Thánh. Sau điện Phật, có bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc Xá lợi Phật, bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Vua Sãi Thái Lan tặng, và Hòa thượng đã cúng dường cho chùa vào năm 2000.
Chùa có khu bảo tháp Tổ. Giữa là tháp Tổ Tâm Hòa, Tổ Giác Phú, Tổ Giác Điền. Hai bên là tháp Tổ Trừng Tùng và Tổ Thanh Thọ.
Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn. Kiến trúc điện gồm một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động, vòm mái cao 2,5m, và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m. Trong điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu, Thần Tài, Thổ Địa. Ở đây có tủ đựng y trang của Bà do thập phương bá tánh dâng cúng. Gian ngoài thờ Bồ tát Quan Âm và Địa Mẫu.

4. Kinh nghiệm đi chùa Bà Tây Ninh

a) Đường đi chùa Bà Tây Ninh

Bạn có thể đến Tây Ninh từ Sài Gòn bằng phương tiện cá nhân, xe buýt hoặc xe khách.
Xe cá nhân: Từ bến xe An Sương, bạn đi theo quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng rẽ trái. Tới ngã ba thị trấn Gò Dầu, rẽ phải theo quốc lộ 22B, sau đó chạy khoảng 60 km nữa là đến vòng xoay trung tâm TP Tây Ninh. Đi theo cung đường này bạn sẽ được ngắm nhìn đồng ruộng xanh ngát và sông Vàm Cỏ Đông, đặc biệt là hoàng hôn rất đẹp khi qua đoạn Gò Dầu – Hòa Thành lúc xế chiều.
Xe buýt: Bạn bắt xe số 703 tuyến Bến Thành – Mộc Bài, sau đó là số 05 tuyến Mộc Bài – Tây Ninh để vào trung tâm thành phố. Giá vé một người là 40.000 đồng tuyến số 703, 15.000 đồng tuyến số 05.
Xe khách: Du khách mua vé ở bến xe An Sương nằm trên quốc lộ 22A, quận 12 để đến TP Tây Ninh. Giá vé là 60.000 – 80.000 đồng một người.

b) Di chuyển lên chùa trên núi Bà Đen Tây Ninh

Du khách có 3 cách để đến với chùa Bà: một là đi theo bậc thang, mỗi bên đều có nhà chồi để ngồi nghỉ khi du khách cảm thấy mệt. Hai là đi hệ thống cáp treo. Ba là sử dụng máng trượt. Ngoài ra, khi đến chùa Bà, bạn còn được thưởng thức các món ăn chay tại chùa và mua quà lưu niệm ngay dưới khu vực chân núi.
Hệ thống cáp treo chùa Bà Tây Ninh

c) Địa điểm lưu trú tại Tây Ninh

Khách sạn ở thành phố Tây Ninh thường tập trung nhiều ở khu vực gần núi Bà Đen trên các con đường Đại lộ 30/4, đường CMT8,… giá phòng dao động từ 100.000 đến 400.000 đồng một đêm. Ngoài ra, trải nghiệm cắm trại trên núi Bà Đen ngắm bình minh cũng là một trải nghiệm được nhiều bạn trẻ yêu thích du lịch bụi lựa chọn.

d) Một số điểm cần lưu ý khi đi lễ hội chùa chùa Bà Tây Ninh 2017

– Trong dịp lễ hội có rất nhiều người đến chùa để cầu may, tuy nhiên bên cạnh đó cũng là những kẻ xấu trà trộn vào đám đông, có những hành vi không đẹp như móc túi, ăn cắp, chính vì thế khi đi lễ chùa không nên mang quá nhiều tiền mặt trong người.
– Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần short, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.
- Nên mang giày thể thao hay giày bệt để leo núi.
- Nên mang áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc đau bụng (đề phòng khi thưởng thức các món lạ).
– Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trên núi Bà Đen thì phải trang bị lều, áo ấm, thức ăn…

e) Đặc sản mang về

Quà mang về từ Tây Ninh, có thể mua những lọ muối tôm, các sản phẩm từ bánh tráng phơi sương, bánh tráng muối me…
Tóm lại, khi đến với chùa Bà Đen Tây Ninh quý vị không nên bỏ lỡ cơ hội vãn cảnh núi Bà Đen nói chung hay chùa nói riêng. Quý độc giả sẽ được xua tan đi mệt mỏi, lo toan cho cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra khi đến với lễ hội chùa Bà Tây Ninh , quý độc giả sẽ khám phá được kiến trúc với nét đẹp của văn hóa truyền thống nơi đây. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi kính mời quý vị đọc tham khảo bài trên đây.

>>>Tham khảo một số ngôi chùa tại Thành Phố Hồ Chí Minh:


Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá

Bài liên quan


EmoticonEmoticon